Hiện nay trên thị trường gạch ốp lát rất phong phú về chủng loại, giá cả, nguồn gốc. Dù vậy, để lựa chọn được sản phẩm tốt, đảm bảo sức khỏe cho các thành viên trong gia đình, người tiêu dùng cần có sự tìm hiểu, lựa chọn kỹ càng.
Gạch ốp lát là một loại vật liệu xây dựng được sử dụng phổ biến trong nhà ở, công ty, văn phòng hay các công trình xây dựng. Hiện nay, các đơn vị sản xuất gạch ốp lát trong nước không chỉ “chạy đua” giảm giá thành, cho ra mắt khách hàng nhiều mẫu mã sản phẩm mà còn quảng cáo các sản phẩm có khả năng kháng khuẩn giúp bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Đơn cử như Viglacera có sản phẩm áp dụng công nghệ nano TiO2, có khả năng kháng khuẩn, tự làm sạch nhất định. Gạch ốp lát Đồng Tâm cũng sử dụng nguyên liệu nano kháng khuẩn trộn đều với nguyên liệu men và nung ở nhiệt độ cao. Tuy nhiên, trao đổi với anh Quang- cán bộ nghiên cứu về men của một thương hiệu gạch có tiếng trên thị trường, được biết, gạch có khả năng kháng khuẩn mới được cơ quan chức năng công nhận nhưng chỉ trên một số ít loại sản phẩm, chủ yếu gạch đó được sản xuất để phục vụ cho các bệnh viện.
Mặt khác, qua khảo sát của phóng viên trên thị trường Hà Nội, hiện có nhiều loại gạch ốp lát giá rẻ, chủ yếu có nguồn gốc từ Trung Quốc. Khi tìm hiểu tại một cửa hàng vật liệu xây dựng trên phố Cát Linh, phóng viên thấy sự khác biệt rõ ràng về giá gạch trong nước và gạch Trung Quốc. Khi hỏi mua hàng hóa trong nước, chị Yến – người bán hàng giới thiệu:
“Hàng Việt Nam loại gạch 60x60cm trung bình có giá từ 250.000 đồng/m2 đến 550.000 đồng/m2”. Còn hàng xuất xứ Trung Quốc có giá từ 300.000 đồng – 350.000 đồng/m2”. Với giá thành như trên, nhiều người tiêu dùng ham rẻ sẽ lựa chọn ngay các loại gạch ốp của Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo tiết lộ của một người kinh doanh gạch lâu năm ở Hà Nội: Gạch Trung Quốc giá rẻ do áp dụng công nghệ rẻ tiền, chỉ được cái “hoa, lá, cành”. Để có được mẫu mã đẹp, giá thành rẻ, thường nhà sản xuất sử dụng phụ gia chì. Theo chuyên gia này, chất chì là chất trợ chảy, rất dễ phối hợp với silica để tạo thành silicat chì nóng chảy ở nhiệt độ thấp thay vì dùng kẽm (trợ chảy trên 1.000 độ C) hay sắt (trợ chảy trên 1.400 độ C). Riêng chất chì thì chỉ cần nhiệt độ thấp, 600 độ C là cho ra gạch “long lanh” lạ thường, nó còn giúp gạch chống mẻ cạnh. Nhìn chung chì có nhiều ưu điểm trừ tính độc hại của nó.
Mặc dù vậy, theo tìm hiểu của phóng viên, việc phân tích, đánh giá hàm lượng độc hại của gạch ốp lát trên thị trường hiện nay vẫn chưa có. Chỉ có một thực tế, hiện nay các thương hiệu gạch ốp lát trong nước đang bị cạnh tranh khốc liệt bởi các loại gạch Trung Quốc. Lý giải về điều này, anh Quang cho biết: “Các cơ sở doanh nghiệp gạch của Trung Quốc thời gian qua ế ẩm, hàng tồn kho nhiều nên gạch Trung Quốc thường được các đối tượng buôn lậu vận chuyển vào Việt Nam qua nhiều ngả, trong đó không loại trừ nhiều sản phẩm chất lượng thấp, có yếu tố nguy hại cho sức khỏe”.
Thực tế, thời gian qua cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều vụ vận chuyển gạch men không rõ nguồn gốc. Ngày 10-7, Tổ kiểm soát thuộc Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái phát hiện, bắt giữ, xử lý 1 đối tượng có hành vi vận chuyển 125 thùng gạch men do nước ngoài sản xuất nhập khẩu không có chứng từ hợp pháp. Trước đó, vào ngày 22-6, tại khu vực bến Cá (thuộc địa bàn thôn 1, xã Quảng Nghĩa, TP. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh), trong khi triển khai lực lượng đi tuần tra kiểm soát địa bàn, Tổ công tác của Đội Kiểm soát chống buôn lậu thuộc Trạm bất ngờ phát hiện, tạm giữ 300 thùng gạch nung tráng men (kích thước 60x60cm loại 4viên/thùng do Trung Quốc sản xuất). Từ thực tế trên cho thấy, gạch ốp lát Trung Quốc đang được nhiều tiểu thương, đối tượng buôn lậu tìm cách nhập vào thị trường nội địa.